Liệu bạn có biết rằng khi đi leo núi thì yếu tố quan trọng cần chuẩn bị đầu tư nhất là gì không? Thứ cần thiết thì rất nhiều nhưng thứ thiết yếu và quan trọng hàng đầu không gì khác chính là những bộ trang phục leo núi.
Để giúp bạn đưa ra quyết định mặc gì khi đi leo núi và trang bị tốt nhất cho chuyến đi của mình hãy cùng tham khảo những bí quyết dưới đây nhé!
1. Lưu ý khi lựa chọn đồ đi leo núi
1.1. Thời gian
Bạn nên lập cho mình một kế hoạch chi tiết và chuẩn bị chu đáo cho chuyến hành trình của mình. Đặc biệt nếu bạn đang có ý định chinh phục ngọn núi đòi hỏi sự quyết tâm cao như Fansipan.
Còn những chuyến đi ngắn ngày và đơn giản hơn, bạn có thể đi leo núi vào thời gian thuận tiện trong năm. Đối với khí hậu tại Việt Nam nếu đi Fansipan hoặc đi dài ngày bạn nên đi từ tháng 11 đến tháng 4, khi thời tiết khô ráo.
Nếu vẫn muốn đi vào các tháng khác thì cần chuẩn bị nhiều hơn để đối mặt với thời tiết ẩm ướt, trơn trượt, muỗi vắt và những hiểm nguy khác. Thời tiết đẹp ảnh hưởng rất lớn (50-60%) đến sự thú vị của chuyến đi, đến chất lượng ảnh chụp, sức khoẻ, độ nguy hiểm.
Thời tiết mưa, ẩm ướt làm tăng đến 70% khả năng trượt ngã; 90% sự khó chịu, 30% tốc độ di chuyển. Bạn cũng nên tìm hiểu về tuyến đường, địa hình, độ dài… để tính thời gian cho hợp với sở thích của mình.
1.2. Địa điểm
Tùy thuộc vào mục đích, quỹ thời gian và tình trạng thể chất mà mỗi người có thể lựa chọn cho bản thân 1 ngọn núi phù hợp để chinh phục. Để đưa ra lựa chọn chính xác bạn nên tìm hiểu trước về độ cao, vị trí, địa hình, thời tiết tại đó.
Dưới đây là Top 10 địa điểm được yêu thích nhất tại Việt Nam:
- Đỉnh Fansipan
- Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử
- Đỉnh Pu La Teng
- Đỉnh Pu Si Lung
- Đỉnh Pu Xai Lai Leng
- Đỉnh Chư Yang Sin
- Đỉnh Ngọc Linh
- Đỉnh Langbiang
- Tà Năng Phan Dũng
- Núi Bà Đen
2. Chuẩn bị trang phục đi leo núi
Các bạn nên lưu ý việc chuẩn bị đồ leo núi còn tùy thuộc vào thời tiết nữa nhé, chẳng hạn như:
- Hành trang của ngày khô sẽ khác hẳn với hành trang ngày ướt.
- Đường có sẵn, hay phải băng qua rừng?
- Hành trang cho nam cũng khác với nữ, hành trang cho chuyến đi 2,3 ngày sẽ khác với chuyến đi 4,5 ngày.
- Loại hình chuyến đi: đi không guide, không porter, hay đi có trợ giúp (nhiều hay ít).
- Sức khoẻ của bạn: cơ bắp, khả năng chịu rét, chịu khát, chịu bẩn…
Ngoài ra hành trang bạn mang theo chuyến đi phải có tính dự phòng. Có nghĩa là bạn phải dự phòng khi mưa, khi lạc, khi ngã chảy máu, khi lạc đường, khi tối trời, khi bị ốm hãy nghĩ đến những rủi ro có thể xảy ra với bạn.
3. Các loại giày dép
Nên lựa chọn giày là chủ yếu. Dép chỉ dùng khi phải lội suối hoặc đi trong lán trại.
Lưu ý khi chọn giày phải chọn kích cỡ vừa chân, có đế mềm và gai bám đường, bền, không nặng quá, không dễ bị ướt, thích hợp với địa hình. Nên lựa chọn 1 đôi giày chuyên dụng và phù hợp với địa hình.
Giày đi leo núi thích hợp nhất là loại bằng da, cao cổ (cao hơn mắt cá chân một chút), có gai bám bằng cao su có khả năng bám đá tốt hơn đế nhựa mềm, buộc dây. Tiêu chí ‘bền – bám đường’ nên đặt lên trên hết.
3.1. Giày chống nước
Không gì khó chịu hơn khi giày bị thấm nước trong thời tiết lạnh. Giày chống nước giúp bạn có thể lội qua các vũng nước nông, khoảng 5cm-15cm, tuỳ thuộc vào lớp da đệm bên dưới dây buộc liền với thân giày đến đâu. Để chống nước, lớp da của giày được tráng một lớp keo chống nước.
Giày da thường cũng có khả năng chống nước, nhưng khi bị ngâm nuớc lâu thì da bị thấm nước bên ngoài và trở nên nặng hơn. Nhiều người sử dụng cách bọc giày để chống ướt, đấy cũng là một cách rất hay và tiết kiệm chi phí.
3.2. Dép
Nếu là Dép thì phải có quai hậu tránh bị buông tuột trong quá trình di chuyển, đảm bảo ôm sát và bảo vệ chân.
3.3. Găng tay
Găng tay phải có gai cao su, đây là thứ bắt buộc ‘phải có’ khi đi rừng hay leo núi, xếp trên cả dép đấy nhé.
3.4. Bọc chân, gối
Bọc cổ chân, gối là một đoạn ống băng đàn hồi, có tác dụng để cố định gân, dây chằng cơ khỏi nguy cơ bị bong hoặc dịch khỏi vị trí ban đầu.
3.5. Gậy leo núi
Gậy leo núi là trang bị tối thiểu của những người leo núi, đi bộ đường dài hoặc đi du lịch dã ngoại. Chúng giúp tăng khả năng giữ thăng bằng và hỗ trợ trên mọi loại địa hình.
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Thể thao, gậy leo núi có thể làm giảm lực nén trên đầu gối lên đến 25%. Điều này có nghĩa là cơ thể của bạn không phải chịu áp lực lớn khi tham gia hoạt động dã ngoại thông thường.
4. Chú ý đến đặc tính vải
4.1. Hút ẩm
Khi bạn sử dụng một chiếc áo có khả năng hút ẩm tốt, thì việc đổ mồ hôi khi hoạt động cũng sẽ không bị thấm vào bên trong cơ thể.
Thông thường loại áo hút ẩm này sẽ được mặc vào bên trong cùng làm lớp áo lót.
4.2. Cách nhiệt
Tiếp sau lớp áo lót sẽ là lớp giữa, cần có khả năng cách nhiệt để giữ ấm cho cơ thể khi đi vào những ngày lạnh giá. Nhiệt không bị truyền ra ngoài khi sử dụng.
4.3. Chống thấm nước và chống gió
Chắc chắn bất cứ dân leo núi, phượt thủ chuyên nghiệp nào cũng cần có loại này. Vì nó giúp cản gió xâm nhập vào bên trong và giúp chống nước an toàn, hiệu quả.
Khi đi rừng đặc biệt vào buổi sáng hay có sương sớm đọng trên lá nếu không có áo chống thấm nước sẽ rất dễ ngấm nước vào người.
4.4. Thoáng khí
Muốn các loại quần áo khi mặc trên người nhanh khô, tỏa nhiệt tốt thì các lớp vải phải có tính chất thoáng khí. Khi các lớp quần áo thông thoáng thì việc mồ hôi từ cơ thể ra ngoài cũng nhanh chóng khô thoáng.
4.5. Chống nắng
Nên chọn những loại vải có chỉ số chống tia UV để bảo vệ làn da trong những ngày dài. Nhiều người cho rằng khi đi rừng thì vấn đề này sẽ không quan trọng vì chủ yếu toàn bóng râm, nhưng thực tế có rất nhiều đoạn đường mòn đầy nắng nên cần phải bảo vệ cơ thể.
5. Các loại vải nên chọn khi đi leo núi
5.1. Vải cotton
Loại vải này đang được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Loại vải này được làm từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên nên vải mềm mịn, có độ co giãn tốt và đặc biệt không gây kích ứng da như nhiều loại vải sợi nhân tạo khác.
Ngoài ra, vải cotton còn có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, giảm nhiệt, có độ bền cao, giặt nhanh khô và phù hợp với mọi vóc dáng, mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc.
5.2. Vải Kaki
Vải kaki là loại vải có độ bền cao được làm từ cotton hoặc sợi tổng hợp dệt chéo. Có ưu điểm là ít nhăn, cầm màu tốt, dễ giặt.
Tuy nhiên điểm hạn chế của loại vải này là độ cứng và dày hơn nên thường dùng để may đồ công sở, đồ bảo hộ hay đồng phục lao động.
Vải kaki có 2 loại là co giãn tốt và loại không co giãn.
5.3. Vải Jeans
Vải jean được Jacob Davis và Levis Strauss khai sinh vào năm 1873 ở Genoa, Italy là một loại vải bông thô, dệt từ 2 sợi cùng màu và hoàn toàn từ cotton.
Độ bền của vải Jean luôn được đánh giá cao so với nhiều loại vải khác đó là lý do chúng ta có thể chọn vải jean cho trang phục leo núi.
6. Đồ đi leo núi cá nhân
Mỗi người sẽ có lựa chọn trang phục cá nhân khác nhau và luôn đắn đo không biết đi leo núi nên mặc gì nhưng đều phải tuân thủ những yêu cầu chung sau đây để đảm bảo an toàn và thuận tiện nhất cho hành trình:
Yêu cầu chung là:
- Giữ ấm khi lạnh, thoát khí nóng
- Chống trầy xước
- Dễ cử dộng
- Thấm mồ hôi
- Chống nước
- Chống vắt, côn trùng
6.1. Balô, túi
Yêu cầu: độ bền cao, quai, dây và chốt nhựa phải chắc chắn. Nên lựa chọn những loại balo chuyên dùng cho việc leo núi. Chúng thường có thêm đai trợ lực và những phần khác hỗ trợ cho mục đích leo núi. Và chỉ nên mang khoảng 5-6kg, bạn không cần balo quá to sẽ gây ra sự cồng kềnh cản trở hành trình.
6.2. Quần
Nên sử dụng quần đai chun hoặc có đai treo thay cho thắt lưng để quần đỡ bị tụt và bó chặt người. Vải quần nên là loại cotton, co giãn sẽ làm cho cơ thể hoạt động thoải mái và dễ chịu…
Bạn có thể mặc quần không thấm nước tránh trường hợp mưa hay ẩm ướt. Nhưng không nên sử dụng bộ quần áo mưa có trên thị trường vì chúng rất bí hơi. Trong thời tiết mưa ẩm ướt, bạn không nên băng rừng, trừ trường hợp thật sự khẩn cấp.
Đường rậm rạp, hoặc phải băng rừng trong trường hợp không có đường mòn sẵn. Nên dùng quần vải dày, túm ống để đỡ bị vướng dây, gai đâm, rắn cắn. Bạn nên mang theo một quần dệt kim dày để mặc khi nghỉ lại trong lều, trại.
6.3. Áo
Khi lựa chọn áo cho chuyến đi leo núi, bạn nên mặc 1 áo lót cotton dệt kim và 1 áo ngoài cotton. Nếu trời lạnh bạn có thể khoác thêm. Mặc nhiều áo hay hơn là mặc một áo dày vì ta có thể bỏ bớt đi một cái. Số lượng áo và độ dày tuỳ thuộc vào từng người, bạn phải tự quyết định mình cần gì.
Nếu đi băng rừng, bạn không nên dùng áo dệt kim vì dễ bị gai đâm hơn. Chia sẻ thêm về chất liệu cotton, trên thị trường hiện có đến 70% áo thun không phải hoàn toàn cotton, kể cả loại có nhãn ghi 100% cotton.
Thêm vào đó, bạn cũng nên có một cái áo khoác dày nhưng thật nhẹ để khoác bên ngoài khi dừng lại nghỉ lâu. Và đừng quên chuẩn bị quần áo thay thế, đề phòng ngã xuống vũng nước và buộc phải thay.
6.4. Khăn quàng cổ
Cũng nên là cotton, mỏng, có tác dụng giữ ấm cổ và lau mồ hôi, ngăn côn trùng đốt. Thậm chí trong trường hợp khẩn cấp có thể dùng để lau hoặc băng vết thương. Tốt nhất là bạn nên dùng một khăn mặt cho mục đích này.
6.5. Mũ
Để che nắng, mưa và gai góc. Với đường mòn rộng thì mũ lưỡi trai là thích hợp.. Nhưng với đường băng rừng hoặc rậm rạp thì loại mũ có vành như mũ tai sẽ phù hợp hơn.
7. Những thứ không thể quên
7.1. Nước và cách uống nước
Khi đi leo núi mồ hôi ra nhiều, bạn sẽ khát liên tục . Bạn nên uống theo kiểu nhấp từng ngụm nhỏ, để trong miệng cho nước từ từ tưới xuống họng. Để có thể uống liên tục mà vẫn đi, bạn nên treo chai nước ngay trước ngực. Nếu có vòi hút ngay cạnh thì tiện nhất, không thì đục một lỗ nhỏ, bóp đáy chai cho nước chảy vào miệng.
Lượng nước uống cho 1 ngày khoảng 1,5-2 lít (3-4 chai cỡ trung). Còn nước khi ăn uống là chưa tính. Nếu mang toàn bộ lượng nước đó (1,5-2kg) thì khá nặng, nên bạn có thể tự mang 1-2 chai 0,5 lít. Nếu kĩ lưỡng hơn bạn nên cho thêm một ít muối và đường gluco vào nước thì tốt.
7.2. Thực phẩm
Bạn nên mang theo các thực phẩm như socola, các loại hạt như đậu phộng, trái cây khô… Những loại thực phẩm này có trọng lượng nhẹ nhưng lại cung cấp một lượng calo rất cao, giúp tăng năng lượng cho bạn trong quá trình leo núi.
7.3. Thuốc là vật phẩm không thể thiếu
Là một vật phẩm thuộc danh mục ‘ buộc phải có’ hãy xem bảng danh mục thuốc và lựa chọn cho phù hợp và cả thuốc cá nhân nữa nhé. Và quan trọng nữa là bạn nên học cách dùng thuốc một chút.
8. Một số lưu ý quan trọng khác
- Mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân, tiền.
- Luôn đổ xăng đầy bình.
- Mang theo đèn chiếu sáng, vắt, sạc dự phòng, bình xịt muỗi, ….
- Máy ảnh và chụp ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ của hành trình.
- Lều bạt, túi ngủ.
- Bản đồ và la bàn tránh trường hợp mất phương hướng.
- Vắt và thuốc chống vắt.
- Chú ý đến yếu tố bảo vệ môi trường.