Bơi lội là một môn thể thao nhẹ nhàng, chỉ cần tập luyện 30 phút mỗi ngày trước khi sinh sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai và em bé:
– Giảm sưng mắt cá chân và bàn chân: Nước giúp đẩy chất lỏng từ các mô vào tĩnh mạch, tăng cường lưu thông ở chân để giảm tình trạng phù nề khi mang thai.
– Giảm đau thần kinh tọa dễ dàng: Bình thường đầu em bé chèn ép lên dây thần kinh (trong 3 tháng cuối thai kỳ) khiến cho mẹ bị đau nhất là ở phần lưng, hông. Khi bơi em bé cũng sẽ “nổi” cùng mẹ nên sẽ giảm bớt tình trạng đau.
– Giảm ốm nghén: Nhiều phụ nữ mang thai cho biết nước mát giúp giảm buồn nôn và ốm nghén khi mang thai.
– Giữ cho cơ thể mát mẻ: Khi mang thai cơ thể người mẹ thường tăng nhiệt cao hơn, toát hồ hôi nhiều, vì vậy việc ngâm mình trong một hồ nước mát có thể giúp cơ thể mát mẻ hơn, đặc biệt là khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao.
– Cải thiện sức chịu đựng: Bơi lội duy trì cơ bắp và tăng sức chịu đựng của thai phụ, giúp cho việc sinh nở dễ dàng hơn.
– Đốt cháy calo, giúp quản lý cân nặng của mẹ bầu, nếu duy trì tập luyện sau sinh sẽ cải thiện vóc dáng hiệu quả.
Lưu ý bơi lội khi mang thai
Bơi lội rất tốt cho phụ nữ mang thai nhưng trước khi tập luyện bộ môn này, mẹ bầu cũng nên lưu ý những điều sau:
– Kiểm tra an toàn nước: Tránh bơi ở những bãi biển ô nhiễm để ngăn ngừa bệnh truyền qua nước. Để tránh ô nhiễm, cách tốt nhất là thai phụ nên chọn tập luyện trong các hồ bơi được khử trùng bằng clo đúng cách.
– Tránh bơi trong nước nóng: Bơi hơn 10 phút trong nước nóng có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng trên 38,3 độ C. Điều này có thể làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, sảy thai và bất thường não và tủy sống – đặc biệt là nếu nhiệt độ cơ thể của bạn tăng cao trong 4 đến 6 tuần đầu của thai kỳ.
– Bước đi cẩn thận: Hãy nhớ rằng, mặt sàn xung quanh bể bơi thường rất trơn nên mẹ bầu cần đi lại cẩn thận để tránh trượt ngã.
– Giữ nhịp thở đều đặn và liên tục khi bơi vì em bé cần oxy
– Đừng quên uống nước: tuy không toát nhiều mồ hôi khi bơi nhưng cơ thể lại buồn đi tiểu nhiều hơn dẫn đến mất nước. Vì vậy, hãy chắc chắn uống 500 ml khoảng hai giờ trước khi tập luyện và đặt một chai nước ở cạnh hồ bơi để uống trong suốt buổi bơi.
Trường hợp không nên đi bơi
– Người mẹ có dấu hiệu động thai, doạ sinh non hoặc từng có tiền sử sảy thai, sinh non, tiểu đường và cao huyết áp
– Tránh bơi ở thời điểm những tháng đầu và giai đoạn cuối thai kỳ, thời điểm an toàn là 3 tháng giữa thai kỳ vì thai nhi đã bước vào giai đoạn ổn định.
Thời gian trong ngày thích hợp để đi bơi?
Các mẹ bầu nên nhớ thời gian đi bơi tốt nhất là vào lúc chiều mát vì lúc này không khí vẫn còn ấm và cơ thể mẹ bầu được điều hòa ổn định với môi trường.
Tuyệt đối tránh đi bơi vào lúc nắng gắt hay lúc sáng sớm vì lúc này sự chênh lệch nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ bên ngoài có thể khiến mẹ bầu cảm thấy chóng mặt và dễ sinh ra các bệnh cảm sốt…
Những điều cần chuẩn bị sau khi bơi
– Chuẩn bị sẵn một đôi dép chống trơn trượt khi đi bơi để dùng khi lên khỏi mặt nước, đi trên sàn bể bơi hay trong phòng thay đồ
– Vừa bơi xong, khi lên bờ, không nên mặc bộ đồ bơi bị ướt mà ngồi bất cứ chỗ nào vì vi khuẩn rất dễ phát triển và xâm nhập vào âm đạo thông qua môi trường ẩm ướt.
– Bổ sung thêm một lượng nước cho cơ thể để bù lại lượng nước mất đi
– Sau khi bơi nên đi tắm lại nhưng tuyệt đối không nên tắm hơi.
– Đi tiểu sau khi bơi để ngăn ngừa viêm âm đạo.
– Nhỏ mắt sau khi bơi để ngăn chặn nhiễm trùng vi khuẩn.