kiến thức, Tập Luyện, thời trang

Chọn mua thảm tập Yoga tốt nhất cùng GYMME

Thảm tập yoga là người bạn đồng hành với người tập yoga, nó giúp bạn tránh đau đớn khi cơ thể trực tiếp tiếp xúc với sàn nhà, vừa có tác dụng giữ ấm cho cơ thể. Làm sao lựa chọn một tấm thảm tập yoga phù hợp là điều rất quan trọng.

1. Kích thước, độ dày và trọng lượng

  • Chiều dài – rộng:

Chiều dài thảm không thể ngắn hơn chiều cao cơ thể, chiều rộng không thể hẹp hơn chiều rộng vai. Độ dày phải thích hợp, đây là một trong những thông số khiến nhiều bạn phân vân nhất.

Thông thường thì thảm có chiều dài 183 cm hoặc 173 cm và chiều rộng 61 cm hoặc 63 cm. Tuy nhiên, có một số loại thảm đặc thù cho những người thích sự rộng rãi hoặc tập Yoga tại nhà trong một không gian thoải mái có độ rộng tới 80 cm.

  • Độ dày của thảm:

Hiện nay có một số độ dày chuẩn của thảm tập Yoga: 4mm, 6mm, 8mm và 10mm. Nếu so với cùng một chất liệu, thảm nào dày hơn thì khả năng hỗ trợ tránh chấn thương tốt hơn, tuy nhiên nếu thảm quá dày lại có nhược điểm ở những động tác cần giữ thăng bằng vì nó tạo ra sự “bồng bềnh”, thảm mỏng hơn mang lại cảm giác chắc chắn hơn.

Một điều các bạn nên lưu ý: Nếu người tập gặp các vấn đề về xương khớp như: Thoái hoá đầu gối, đau vai gáy, gout, viêm khớp,… thì nên chọn thảm êm và dày để hỗ trợ tốt hơn.

Thông thường, người mới tập có thể chọn thảm dày khoảng 6 mm – 8 mm là hoàn hảo nhất. Với những người tập Yoga lâu năm, họ thường có xu hướng chọn thảm mỏng hơn.

Các loại thảm làm từ chất liệu PVC thường dày 4mm, thảm TPE có độ dày 6mm – 8mm, thảm PU thường khá mỏng, chỉ khoảng 3 đến 4mm. Thảm NBR thì thường dày 10mm, cá biệt có thể lên tới 20mm. Phần cuối bài chúng tôi sẽ nói rõ hơn về chất liệu thảm.

  • Độ nặng

Cùng một vật liệu thì thảm dày hơn sẽ nặng hơn, khi cuộn lại sẽ to hơn. Chính vì vậy nếu bạn nào muốn nhẹ thì nên chọn thảm mỏng hơn. Bạn nào hay đi du lịch thì có thể chọn tấm khăn trải thảm yoga gọn nhẹ, nó có thể xếp gọn vào balo mang theo mỗi khi đi xa.

Thường thảm tốt như PU sẽ nặng khoảng 1,5 đến 2kg. Các loại thảm làm từ NBR và PVC thường khá nhẹ.

2. Tính đàn hồi

Dùng 2 ngón tay ép thảm lại và thả ra để cảm nhận độ đàn hồi của thảm, khi thả tay ra thảm phải trở về vị trí ban đầu. Nếu thảm quá xốp thì dù có dày khi cơ thể tiếp xúc với đất cũng thấy đau. Nếu thảm quá cứng, thì da thịt chúng ta dễ bị tổn thương.

Trải bằng tấm thảm, một tấm thảm tốt là không có bất cứ điểm nào lồi hay lõm.

3. Độ bám hay tính chống trơn

Trải bằng tấm thảm, dùng lực của bàn tay đẩy mạnh tấm thảm ra trước, nếu thảm trượt trên nền hay tay trượt trên thảm, đều có nghĩa là độ bám của thảm không tốt. Người sử dụng có thể bị tổn thương trong quá trình luyện tập.

4. Đường kẻ định tuyến

Nếu có thể được bạn hãy chọn cho mình một tấm thảm có đường kẻ định tuyến, điều này cũng khá quan trọng (nhất là đối với người mới tập). Đường định tuyến trên mặt thảm giúp bạn căn chỉnh chân, tay cho đúng vị trí và vào tư thế chuẩn xác vì chúng ta tập yoga để khỏe, chẳng ai muốn sau một thời gian tập yoga sai tư thế thì cột sống bị lệch, vẹo. Hơn nữa đường kẻ định tuyến cũng giúp bạn dễ nhớ điểm đặt tay, chân hơn, tránh mất thời gian cũng như mất tập trung vào việc ước lượng khoảng cách hay vị trí…

5. Thương hiệu

Để chắc chắn bạn mua được đúng tấm thảm thiết kế cho mục đích tập yoga, bạn nên lựa chọn thảm tập từ các thương hiệu có tên tuổi và chuyên trong lĩnh vực Yoga

Việc mua thảm tập từ các thương hiệu có tên tuổi cũng giúp bạn chắc chắn có được một tấm thảm đảm bảo an toàn cho cơ thể, không bị kích ứng da hay đường hô hấp khi hàng ngày luyện tập bạn luôn phải áp mặt và da mình trên tấm thảm. Đặc biệt nên nói không với các thảm tập không rõ tên thương hiệu cũng như nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, tập yoga để có sức khỏe, bạn không nên đánh đổi sức khỏe chỉ vì lý do lãng xẹt này.

6. Chất liệu

Đây là thông số quan trọng nhất khi lựa chọn thảm tập yoga, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tuổi thọ của thảm và cũng quyết định chính đến giá thành của sản phẩm.

Hiện tại trên thị trường chủ yếu có 3 chất liệu để chế tạo thảm là PVC (Polyvinyl chloride), TPE (Thermoplastic Elastomer) và Cao su tự nhiên kết hợp PU (Polyurethane). Ngoài ra, thời gian gần đây còn có thêm các loại thảm được phủ chất liệu gỗ bần hoặc phủ nỉ trên bề mặt với đặc tính bám tốt hơn cho người nhiều mồ hôi tay chân, tuy nhiên lớp đế vẫn sử dụng TPE hoặc cao su.

+ Chất liệu PVC

Đây là chất liệu làm thảm tập yoga khá phổ biến với ưu thế giá rẻ, chúng có mặt ở hầu khắp ngõ chợ hay các cửa hàng nhỏ lẻ. Một số cửa hàng thường mập mờ với tên gọi thảm nhựa cao cấp tuy nhiên bản chất nó vẫn là thảm PVC. Chất lượng thảm PVC rất chênh lệch tùy thuộc vào năng lực của nhà sản xuất. Nếu tập thường xuyên thì bạn có thể sử dụng thảm này được 6-12 tháng, sau đó sẽ nhận thấy thảm bị mất độ dày, mất độ đàn hồi hoặc dơ mà không cải thiện được và các hạt nhựa liên kết bị nứt, bong, bục mủn ra. Đặc điểm chung có thể cảm nhận ở thảm mới là mùi nhựa rất nặng sẽ tác động xấu lên việc hít thở sâu khi tập yoga.

+ Chất liệu TPE

Đây là vật liệu cao cấp mới được sử dụng để chế tạo thảm yoga trong thời gian gần đây. TPE được chế tạo từ cao su tự nhiên có độ đàn hồi cao, khả năng co giãn, kéo giãn và chịu lực tốt. Vật liệu TPE được gia công theo quy trình ép khuôn bằng nhiệt, thân thiện với môi trường (tái sử dụng được) và an toàn khi tiếp xúc với da.

Thảm TPE có ưu điểm là khả năng đàn hồi tốt, mềm dẻo và nhẹ (tiện mang đi mang lại), độ bám khá tốt, hỗ trợ tối ưu cho việc tập Yoga. Chất liệu TPE có khả năng chịu nước nên dễ vệ sinh, giặt thảm hơn. Và tuổi thọ sử dụng cũng cao khoảng 3 năm. Giá thành thảm TPE cao hơn thảm PVC mặc dù thảm TPE đã trở nên rất phổ biến và giảm giá nhiều trong những năm gần đây.

+ Chất liệu Cao su tự nhiên & PU (polyurethane)

Đây là chất liệu cao cấp nhất thường được sử dụng trong các dòng thảm tập yoga cao cấp của các thương hiệu yoga nổi tiếng vì những đặc tính ưu việt của chúng như độ bám vượt trội cho dù tay chân bạn khô hay đổ mồ hôi ướt, độ đàn hồi cực tốt (rất “lì”, cho phép chế tạo thảm mỏng hơn). Các loại thảm dùng chất liệu này cũng có độ bền tương đối cao (khoảng 3 năm với người tập bình thường), tuy nhiên thảm thường nặng và yêu cầu bảo quản/sử dụng thảm cũng khá khắt khe và đặc biệt là giá thành đắt hơn hẳn các thảm chất liệu PVC và TPE.

Với bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn sẽ có thể tự lựa cho mình một tấm thảm tập yoga tốt, giá thành hợp lý và có tiêu chuẩn phù hợp để luyện tập rồi đó.

Bài viết liên quan