Yến mạch là gì mà có thể chế biến thành món cháo thơm ngon giúp giảm cân nhanh chóng, hay làm mặt nạ tự nhiên nuôi dưỡng làn da sáng khỏe? Nếu là người theo đuổi lối sống lành mạnh, đừng ngần ngại tìm hiểu ngay loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này nhé!
Cây yến mạch có tên khoa học Avena sativa là một trong những cây thuộc họ ngũ cốc giàu dinh dưỡng nhất, được trồng để lấy hạt. Không chỉ được biết đến với công dụng làm đẹp mà bột yến mạch còn có thể làm ra nhiều món ăn bổ dưỡng mang lại vô vàn những lợi ích thiết thực cho sức khỏe.
Để rõ hơn, mời bạn cùng tìm hiểu yến mạch là gì và các loại yến mạch nhé!
Yến mạch là gì?
Yến mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt được trồng chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu. Về khía cạnh dinh dưỡng, đây được xem là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cho cơ thể, đặc biệt là beta glucan cùng hàng loạt các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất thiết yếu khác. Không những thế, yến mạch cũng được biết đến như loại thực phẩm sở hữu hàm lượng protein, chất béo cao hơn hẳn so với nhiều loại ngũ cốc khác. Chính vì lẽ đó mà nó được ví như là “Nữ hoàng của các loại ngũ cốc”.
Theo các chuyên gia, trong 78g yến mạch khô có chứa 51g carbohydrate, 13g protein, 5g chất béo, 8g chất xơ nhưng chỉ có 303 calo cùng với đó là:
- Mangan: 191% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Photpho: 41% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Magie: 34% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Đồng: 24% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Sắt: 20% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Kẽm: 20% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Folate: 11% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Vitamin B1 (thiamin): 39% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Vitamin B5 (axit pantothenic): 10% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Canxi, kali, vitamin B6 (pyridoxine) và vitamin B3 (niacin)
Các loại yến mạch khác nhau trên thị trường
• Yến mạch nguyên hạt (Oat groats): Sau khi được tuốt khỏi thân lá và bóc sạch vỏ, yến mạch nguyên hạt đã có thể chế biến và dùng được ngay. Tuy nhiên, loại này thường khá dai và để khắc phục nhược điểm này bạn nên nấu vớ thật nhiều nước theo tỷ lệ 3 phần nước : 1 phần yến mạch. Quá trình để cho ra yến mạch chín đều sẽ mất khoảng 50 phút.
• Yến mạch cắt nhỏ (Steal cut oats):Loại yến mạch này được cắt nhỏ từ yến mạch nguyên hạt. Khi chế biến sẽ không dùng nhiều nước như yến mạch nguyên hạt nhưng vẫn mất tới 30 phút mới có thể nấu chín.
• Yến mạch cán dẹt (Rolled Oats): So với hai loại trên thì yến mạch cán dẹt thường được sử dụng hơn cả. Theo đó, yến mạch cắt nhỏ khi được hấp chín và lăn dẹt sẽ cho ra yến mạch cán dẹt. Tùy vào độ mỏng và kích thước của hạt mà thời gian nấu chín sẽ có sự thay đổi. Thường thì loại yến mạch này sẽ mất khoảng 5 – 15 phút để nấu chín hoàn toàn với tỷ lệ lý tưởng nhất nhất là 1 phần yến mạch: 2 phần nước.
• Yến mạch ăn liền (Instant Oats): Yến mạch ăn liền được làm từ yến mạch cán dẹt được cán mỏng, thường có thêm phụ gia như muối, đường hoặc hương liệu. Loại này thì chỉ cần đun sôi là dùng được ngay và dùng như bữa ăn sáng.
• Yến mạch dạng bột: Yến mạch dạng bột được nghiền mịn từ yến mạch được cán dẹt. Loại bột yến mạch này thường được dùng để pha chế bột ăn dặm cho trẻ loặc làm mặt nạ dưỡng da.